Thứ 6, ngày 16 tháng 8, 2019, 8:36:21 Chiều

Đưa nhà máy về tỉnh tìm công nhân

14/03/2022 09:16

Mở rộng nhà máy về các tỉnh giúp doanh nghiệp dễ tuyển công nhân, giảm áp lực khi lao động phổ thông ở thành phố thiếu hụt, khó tìm.

Sau giãn cách, hoạt động sản xuất của Tổng công ty may Nhà Bè (quận 7) phục hồi, đơn hàng được lấp đầy đến hết quý 3/2022, đòi hỏi doanh nghiệp đẩy mạnh tuyển mới công nhân. Để thu hút lao động, nhà máy ở TP HCM tăng năng suất lao động, nâng thu nhập mỗi tháng lên 10-15 triệu đồng cùng nhiều phúc lợi như lương tháng 13, thưởng năng suất, thâm niên, đào tạo nghề, tặng học bổng cho con công nhân, sửa nhà cho người khó khăn...


Công nhân may Nhà Bè trong giờ làm việc. Ảnh: An Phương

"Tuy nhiên, kiếm người ở thành phố không hề dễ", bà Lê Thị Hà Chi, Phó tổng giám đốc Tổng công ty cho biết. Nhiều tháng liền, bộ phận tuyển dụng ở TP HCM chưa tuyển đủ số lượng trong khi yêu cầu tăng mới chỉ 20%, thấp nhất so với các nhà máy cùng hệ thống.

Trong khi TP HCM gặp khó, các tỉnh có phần dễ hơn, mỗi ngày nhận hồ sơ cao gấp 2-3 lần. Theo bà Chi, nếu ở thành phố, doanh nghiệp phải trả lương 10 triệu đồng mỗi tháng mới giữ được công nhân thì ở tỉnh chỉ cần 7 triệu đồng có thể tuyển được lao động do họ làm việc gần nhà, chi phí sinh hoạt thấp.

5 năm qua, May Nhà Bè mở rộng sản xuất về 10 tỉnh thuộc khu vực miền Tây, miền Trung và Tây Nguyên. Tổng công ty quy mô 20.000 lao động nhưng có đến 15.000 người làm việc ở các nhà máy tại địa phương. Bà Chi nói đưa nhà máy về tỉnh giúp doanh nghiệp tăng năng lực sản xuất. Chi phí nhân công thấp hơn nên nhà máy tạo lợi thế cạnh tranh về giá thu hút khách hàng, tạo thêm đơn hàng. Thu nhập cho người lao động từ đó cũng tăng thêm.

Tương tự, mấy năm qua Công ty TNHH Việt Nam Samho (huyện Củ Chi), chuyên sản xuất giày da, 100% vốn Hàn Quốc, đã xây thêm nhà máy ở An Giang để chủ động nguồn lao động.

Ông Đỗ Trương Hoàng Phúc, Trưởng phòng Nhân sự công ty, cho biết sau Tết nhu cầu tuyển mới ở hai nhà máy lên đến vài nghìn người nhưng ở tỉnh tìm nguồn rất nhanh. Mỗi ngày bộ phận nhân sự nhà máy tại An Giang nhận hơn 100 hồ sơ trong khi ở TP HCM ngày cao nhất chỉ 30 người đến hỏi việc. Đầu tháng 3 này, nhà máy ở An Giang đã tuyển đủ người, còn kiếm giúp lao động cho nhà máy ở thành phố.


Công nhân được nhà máy Samho An Giang đưa lên TP HCM. Ảnh: An Phương

Mở rộng nhà máy về tỉnh không chỉ câu chuyện của Samho hay May Nhà Bè. Bà Nguyễn Thị Thủy, Phó chủ tịch công đoàn Dệt may Việt Nam, nói hầu hết các công ty thuộc tập đoàn đều tính toán mở rộng ra tỉnh. Việc này giúp giải bài toán thiếu hụt nhân lực ở các thành phố lớn, đặc biệt là TP HCM. Doanh nghiệp cũng giảm được chi phí tiền lương, bảo hiểm xã hội do lương tối thiểu vùng thấp hơn. Lao động ở địa phương có việc lại không phải rời quê.

Tuy nhiên, các nhà máy ở tỉnh đối mặt không ít khó khăn. Công nhân sống cùng gia đình, gần họ hàng nên mỗi khi có đám tiệc, vụ mùa lại nghỉ việc ảnh hưởng sản xuất. Thời gian đầu, các công ty liên tục tuyên truyền về đặc thù sản xuất công nghiệp, một người nghỉ sẽ khiến dây chuyền bị đứt, năng suất không đạt, lương thấp. Các khoản thưởng, phạt chuyên cần khiến công nhân ý thức hơn.

Bên cạnh đó, giao thông tại một số địa phương chưa thuận lợi, xa cảng, sân bay... nên chi phí logistics lớn. Công nhân dồi dào song lại khó tìm được nhân sự trình độ cao cũng gây khó cho các nhà máy.

Theo chuyên gia chính sách công Nguyễn Quang Đồng, đưa nhà máy về tỉnh không chỉ giải quyết câu chuyện thiếu lao động ở các thành phố lớn mà còn góp phần cải thiện đời sống công nhân. Đợt dịch thứ tư bùng phát, cả triệu người hồi hương đã bộc lộ những lỗ hổng trong chính sách hỗ trợ lao động nhập cư ở các tỉnh, thành công nghiệp. Công nhân không thể mua nhà hay nuôi con ở thành phố, đa phần phải gửi ở quê, gia đình chia cách, hậu quả xã hội rất lớn.


Công nhân nhà máy Vinatex Bạc Liêu thuộc Tổng công ty dệt may miền Nam. Ảnh: Lê Tuyết

Ghi nhận của Trung tâm Nghiên cứu quan hệ lao động, lương không đủ sống cùng với chi phí ở thành phố đắt đỏ là hai nguyên nhân khiến người lao động ở các tỉnh, thành phía Nam về quê khi dịch bùng phát. Nhiều người sau đó không trở lại thành phố dù dịch được khống chế.

"Công nhân đang trả cái giá rất đắt cho 30 năm phát triển công nghiệp và cần sớm chấm dứt tình trạng này", ông Đồng nói.

Theo ông Đồng, những năm tới, nhóm ngành thâm dụng lao động như dệt may, da giày vẫn giữ vai trò quan trọng trong giải quyết việc làm cho nhóm lao động chưa qua đào tạo, nhóm công nhân cũ. Tuy nhiên nhà nước cần có chính sách phù hợp, dịch chuyển nhà máy về các địa phương, gần nguồn lao động, để người dân có việc làm nhưng không xa quê.

Ngoài ra, Trung ương cần có chủ trương chung để đưa các nhà máy nhiều lao động dần ra khỏi các thành phố lớn. Những địa phương như TP HCM, Đà Nẵng, Đồng Nai... không được cấp phép đầu tư mới những ngành nghề thâm dụng lao động mà tập trung phát triển nhóm công nghệ, sử dụng nhân lực trình độ cao. Bên cạnh đó, các tỉnh đông lao động cần được đầu tư hạ tầng, bến cảng, có chính sách ưu đãi thuế, vốn vay lãi suất thấp cho những nhà máy mới.

Bạn đang đọc bài viết "Đưa nhà máy về tỉnh tìm công nhân" tại chuyên mục Doanh nghiệp.