Thứ 6, ngày 16 tháng 8, 2019, 8:36:21 Chiều

Nạn nhân sống sót kể lại vụ lở núi vùi lấp 22 người

19/10/2020 10:13

Anh Phạm Tấn An đang nằm ngủ thì nghe tiếng nổ lớn, chạy ra xem thấy đất đá trên núi ào xuống 3 khu nhà của đoàn kinh tế quốc phòng 337.

Tối 18/10, anh Phạm Tấn An, nhân viên thông tin Đoàn kinh tế quốc phòng 337, thôn Cợp, xã Hướng Phùng (huyện Hướng Hoá), một trong 5 nạn nhân sống sót sau vụ lở núi tại đây vẫn chưa hết bàng hoàng. Giọng anh chùng xuống khi kể về diễn biến vụ lở núi.

"Quá nửa đêm, 27 anh em đang ngủ trong khu nhà tập thể thì nghe một tiếng nổ lớn. Tôi vội bật dậy, chạy ra sau nhà xem thấy đất đá đang ào ào đổ xuống 3 khu nhà. Cùng lúc nhiều tiếng kêu cứu vang lên", anh An nói.


Anh Phạm Tấn An, nhân viên thông tin Đoàn kinh tế quốc phòng 337 kể lại vụ lở núi. Ảnh: Hùng Tiến

Hốt hoảng, anh An hô lớn "lở núi" rồi chạy xung quanh hỗ trợ mọi người tìm lối thoát. Trong màn đêm mập mờ bởi ánh đèn điện thoại, anh thấy nhiều đồng đội bị đất đá vùi lấp song chỉ biết nhìn theo và bất lực.

"Thấy người em tên Huy đang kêu cứu trong phòng rộng hàng chục mét vuông, tôi chạy vội vào trong hỏi có làm sao không? Cậu ấy đáp không sao, nhưng không có cách nào ra được vì bị bức tường, đất đá và một số vật dụng đè lên người. Tôi gọi thêm một chiến sĩ hỗ trợ đưa Huy ra, rồi gọi điện cấp báo cho chỉ huy", anh An kể.

Sau vụ lở núi đầu tiên lúc 1h ngày 18/10, đất đá tiếp tục đổ xuống 3 lần nữa khiến mọi người phải dạt ra ngoài cổng đơn vị lánh nạn, không ai có thể tiếp cận hiện trường để cứu hộ.

Là chiến sĩ thông tin, làm việc ở nhiều vùng đồi núi, song đây là lần đầu tiên anh An chứng kiến cảnh lở núi khủng khiếp như thế. "Những anh em may mắn sống sót rất đau lòng khi 22 đồng đội nằm xuống. Bây giờ cứ nhắm mắt lại là nhớ về những buổi làm việc, những bữa cơm cùng nhau", anh An sụt sùi, lấy tay lau nước mắt.


Tư trang của cán bộ chiến sĩ bị vùi lấp được đưa ra khỏi hiện trường. Ảnh: Hùng Tiến

Được đồng đội cứu ra từ đống đổ nát, anh Huy nói mình như được "sinh ra lần hai". Anh kể, lúc đó đang nằm ngủ trong phòng tham mưu của Ban hành chính, cũng nghe tiếng nổ lớn như nhiều người khác, nhưng chưa kịp bật dậy đã bị bức tường lớn đổ đè lên người khiến mắc kẹt. Anh cố hết sức đẩy bức tường ra khỏi người nhưng vô vọng.

"Tôi cố gắng kêu lớn, may sao hai người bên ngoài nghe thấy, chạy vào hợp sức đẩy tấm bê tông để giúp tôi thoát ra ngoài. Những đợt lở núi tiếp theo ập xuống tiếp tục vùi lấp các dãy nhà, nhiều mảng tường trôi xa hàng chục mét", anh Huy nói.

Đoàn kinh tế quốc phòng 337 làm nhiệm vụ ở 5 xã biên giới vùng sâu, vùng xa huyện Hướng Hóa. Trong tháng 10, đoàn thực hiện nhiệm vụ khắc phục hậu quả thiên tai, cứu hộ, cứu nạn trên địa bàn đóng quân theo chỉ đạo của Bộ Tư lệnh Quân khu 4 và đề nghị của chính quyền địa phương.


Hiện trường vụ lở núi vùi lấp 3 dãy nhà, nơi đóng quân của 27 chiến sĩ. Ảnh: Hữu Khoa

Theo người dân, hơn một tuần qua xã Hướng Phùng trời mưa to, nhiều vùng bị sạt lở buộc bộ đội phải đến trợ giúp. Ngày 17/10, 27 cán bộ, chiến sĩ của Đoàn 337 đã hành quân sang xã Hướng Việt, cách nơi đóng quân 30 km để hỗ trợ bà con dân tộc thiểu số tại đây. Sau một ngày, họ trở về đơn vị lúc 0h ngày 18/10, người đẫm nước mưa.

"Anh em dầm mưa một ngày người đều mệt lả, ăn tạm miếng cơm, tắm rửa qua loa rồi đi ngủ, một số người còn chưa kịp thay quân phục", một cán bộ quân đội nói.

Máy múc san đường để tiếp cận hiện trường vụ lở núi ở xã Hướng Phùng. Video: Nhóm PV

Lúc 1h sáng 18/10, núi bất ngờ sạt lở, đổ xuống các gian nhà của Đoàn kinh tế quốc phòng 337 ở thôn Cợp, xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hoá, tỉnh Quảng Trị. 5 người được cứu ra ngoài, 22 người bị vùi lấp gồm 4 sĩ quan, 10 quân nhân chuyên nghiệp và 8 chiến sĩ. Đến 8h sáng 19/10, lực lượng cứu hộ tìm được 14 thi thể, còn 8 người mất tích.

Đức Hùng - Nguyễn Hải - Hoàng Táo
Bạn đang đọc bài viết "Nạn nhân sống sót kể lại vụ lở núi vùi lấp 22 người" tại chuyên mục Đời sống.