Thứ 6, ngày 16 tháng 8, 2019, 8:36:21 Chiều

Từ bỏ 1 tham vọng, tỷ phú Phạm Nhật Vượng xoay tính nước đi mới

10/05/2021 11:15

Doanh nghiệp của tỷ phú Phạm Nhật Vượng liên tiếp bỏ những dự án kinh doanh thành công vượt bậc về doanh thu và thị phần nhưng hiệu quả chưa cao.

Tập đoàn Vingroup (VIC) của tỷ phú Phạm Nhật Vượng vừa công bố thông tin cho biết, tập đoàn này dừng việc nghiên cứu, sản xuất tivi và điện thoại di động để tập trung nguồn lực phát triển công nghệ cao, các sản phẩm điện tử và các tính năng về “Infotainment” cho ô tô VinFast.

Đây là bước đi được Vingroup giải thích là “chiến lược” nhằm đưa VinFast tiến đến mục tiêu trở thành một trong những hãng xe điện thông minh và tiện ích nhất thế giới.

Động thái này diễn ra trong bối cảnh mảng sản xuất điện thoại thông minh có thành tích đáng kể về mặt doanh thu thị phần (số 3 tại Việt Nam) sau chỉ chưa tới 3 năm hiện diện. Trong khi đó mảng ô tô cũng bán được rất nhiều sản phẩm và cần phát triển mạnh hơn nữa, nhất là về công nghệ và chất lượng.

Bên cạnh việc tập trung cao độ cho VinFast, VinSmart cũng sẽ tiếp tục đẩy mạnh các mảng nghiên cứu hiện nay về Thành phố thông minh - Nhà thông minh và các thiết bị kết nối vạn vật (IoT).


Tỷ phú Phạm Nhật Vượng liên tục mở ra và đóng lại các dự án kinh doanh.

Trong tuần qua, Vingroup cũng đã công bố sẽ tập hợp lực lượng phát triển xe từ các viện nghiên cứu VinFast ở nước ngoài về trụ sở chính ở Việt Nam để đảm bảo tiến độ nghiên cứu phát triển và đẳng cấp cho các dòng xe mới.

Đây không phải là lần đầu Vingroup từ bỏ một mảng kinh doanh được đầu tư tốn kém. Trước đó, Vingroup đã thoái vốn khỏi mảng bán lẻ quy mô lên tới cả chục tỷ USD. Vingroup rút khỏi mảng nông nghiệp. Doanh nghiệp của ông Vượng rút khỏi lĩnh vực vận tải hàng không khi Vinpearl Air còn chưa bay. Vingroup tặng Trung tâm Đào tạo Bóng đá trẻ  cho Tập đoàn Giáo dục Văn Lang.

Theo Vingroup, sở dĩ tập đoàn lần lượt rút khỏi nhiều mảng kinh doanh như vậy là để tập trung cho ưu tiên cốt lõi: ô tô.

Trong hơn một thập kỷ trước, tỷ phú Phạm Nhật Vượng đã nhiều lần đóng cửa các dự án kinh doanh lớn, vứt bỏ bớt những thứ không phải là cốt lõi.

Ngay trước cuộc khủng hoảng tài chính 2008, Vingroup từng có kế hoạch xây dựng một tập đoàn tài chính bao gồm cả ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán và công ty quản lý quỹ với tham vọng lấn sân thị trường tài chính sau khi thị trường chứng khoán Việt Nam bùng nổ năm 2006.

Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng tài chính đã lan rộng toàn cầu và ảnh hưởng mạnh tới Việt Nam. VN-Index rơi từ trên 1.000 điểm xuống còn hơn 300 điểm. Hệ thống ngân hàng khi đó cũng biến động mạnh, với lãi suất tăng chưa từng có, gấp nhiều lần.

Ông Vượng khi đó cũng đã chuẩn bị sẵn sàng các nhân sự chủ chốt cho sự ra đời của Tập đoàn tài chính Vincom nhưng cuối cùng đã quyết định dừng chân không tham gia vào mảng tài chính.

Kể từ thời điểm 2009 đến nay, Vingroup đã mở ra và đóng lại rất nhiều dự án như: hệ thống cửa hàng quần áo giày dép VinDS, Vinlink, Logistics VinExpress, điện máy VinPro và thương mại điện tử Adayroi.

Với VinFast, gần đây tỷ phú Phạm Nhật Vượng tính huy động tỷ USD, “đánh” thẳng vào thị trường Mỹ.

Hãng tin Bloomberg vừa dẫn một nguồn tin liên quan cho biết, Tập đoàn Vingroup (VIC) của tỷ phú Phạm Nhật Vượng đang xem xét đợt phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) tại Mỹ đối với công ty sản xuất ô tô VinFast, dự kiến huy động khoảng 2-3 tỷ USD.

 Bloomberg dự tính mức định giá ít nhất 50 tỷ USD sau khi niêm yết. Mức cao có thể lên tới 70-75 tỷ USD. Với mức định giá này, vốn hóa của VinFast sẽ vượt hãng xe danh tiếng Ferrari (vốn hóa 52 tỷ USD), Honda (51 tỷ USD), Ford (49 tỷ USD), Kia (30 tỷ)… và chỉ thua một số hãng nổi tiếng như Tesla, Toyota, Volkswagen, Mercedes Benz, GM, BMW…

Trên thị trường chứng khoán (TTCK), VN-Index quay quanh ngưỡng 1.240 điểm.

Theo BVSC, trong tuần mới, thị trường dự báo sẽ điều chỉnh vào đầu tuần và có thể hồi phục về cuối tuần. VN-Index nhiều khả năng sẽ tiếp tục có biến động đi ngang tích lũy để tạo nền giá mới trên mốc 1.200 điểm trong ngắn hạn. Vùng 1.268- 1.275 điểm vẫn là vùng cản mạnh mà chỉ số cần phải vượt qua nếu muốn xác lại lại xu thế tăng điểm trong ngắn hạn.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 6/5, chỉ số VN-Index giảm 5,853 điểm xuống 1.250,57 điểm; HNX-Index tăng 0,16 điểm lên 281,09 điểm. Upcom-Index tăng 0,52 điểm lên 81,18 điểm. Thanh khoản đạt 23,2 nghìn tỷ đồng.

V.Hà